Trên những sông suối và kênh dẫn của hồ chứa nước, dòng lũ về luôn mang đến những điều kiện câu rất khác biệt. Và bạn phải thích ứng với chúng bằng cách thay đổi một số phần trong chiến thuật câu thông thường. Nhọc lòng không bõ công. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, lũ chép sẽ tiếp tục ăn mồi như không có gì xảy ra… hay gần như vậy !
Tìm cá ở đâu ?
Đừng câu chép ở giữa dòng nước … Nói thế chắc chắn bạn sẽ đặt ngay câu hỏi ! Bạn nên đợi chúng ở những điểm « có thể xả mồi », có nghĩa là rất gần bờ. Nếu những điểm này có cá, trước tiên hãy hết sức kín đáo ! Lũ cá tuy không nhìn thấy nhưng có thể nhận biết sự hiện diện của bạn qua âm thanh và rung động do các cử động phát ra : hãy hạn chế di chuyển không cần thiết, hay vô ý nện gót xuống đất … Lũ cá luôn ở rất gần bạn, hãy tránh làm chúng chạy trốn nhé !
Về mặt kỹ thuật, các đường câu chép cổ điển (được mô tả rất nhiều trong website này) rất phù hợp. Chú ý, đừng coi nhẹ vai trò tiêu cực của dòng nước, và ảnh hưởng của nó cùng với những thứ được xem như « vô giá trị », mà dòng chảy tải đến điểm mà bạn đang buông câu !
Chú ý thứ nhất liên quan đến mồi xả : cần phải rải mồi từng đợt để tránh rủi ro mồi bị bùn và các vật thể lơ lửng khác che lấp. Vì thế bạn cần thực hiện thao tác thả mồi nhắc khá thường xuyên với nguyên tắc : ít nhưng liên tục !
Tiếp đến, nếu bạn dùng mồi boilie tròn (hình dạng phổ biến nhất), hãy dè chừng ! Dưới tác động của dòng nước, các viên mồi dễ bị lăn đi … và như thế mồi sẽ trôi ra phía hạ nguồn vị trí câu, điều mà tôi nghĩ rằng bạn không hề mong muốn. May mắn thay, cách chữa trị vô cùng đơn giản : khi vê mồi, thay vì làm cho chúng thật tròn thì bạn hãy nhẹ nhàng làm bẹp chúng hoặc đơn giản hơn nữa là ngắt thành từng viên hình dạng bất kỳ như thế nào và không xoe cho chúng tròn vào nữa. Hình vóc « nguyên thủy » của viên boli đủ để làm cho chúng cố định hoàn toàn dưới đáy nước …
Cuối cùng, hãy luôn để ý đến thẻo câu. Mồi câu có thể bị mất sau những lần quăng câu, vì vậy bạn cần liên tục kiểm soát thẻo.
Tóm lại, khi biết có cá chép ở gần bên (dưới dòng sông), và đã tìm được các vùng bả mồi dựa trên hiểu biết của bạn về vị trí câu, bạn sẽ không gặp quá nhiều vấn đề đâu. Cũng có thể lũ chép đa nghi, thường hay đi ăn vào buổi chiều tà, thậm chí ban đêm, chúng sẽ năng động hơn thường lệ vào lúc ban ngày, và hiểu được điều này cũng không phải là không lợi ích.
Dùng thuyền để thả câu
Đôi khi bạn sẽ gặp những tình huống rất nản lòng … Một số con chép cực bướng bỉnh, dám bơi sang bờ đối diện và nhất là khi phía bờ đó hoàn toàn không thể tiếp cận.
|
Vào mùa lũ, các dòng sông sẽ như thế ! |
Đó cũng là tình huống mà tôi gặp vào tháng 5/1988, đúng vào mùa lũ trên sông Lot. Rõ ràng, chúng tôi có thể câu ở phía hạ lưu của hồ chứa nước … nhưng lại có lượng lớn cá chép tụ ở phía sông Lot đổ vào hồ. Cả nhóm chúng tôi đã quyết định thử vận may ở một địa điểm nước chảy siết, hai bên bờ dốc đứng đầy cây cối, và lũ cá chép lại xuất hiện ở chân bờ đối diện … cách chúng tôi tới 80m.
Khó khăn nhanh chóng xuất hiện: dòng nước dễ dàng cuốn đi các cục chì, ngay cả loại tới 85g (cỡ nặng nhất chúng tôi mang theo). Giải pháp duy nhất là cạp thêm chì, với trọng lượng 70g tăng thêm, đường câu cuối cùng có vẻ như đã “yên” dưới đáy nước. Nhưng từ phía bờ mấp mô đang đứng, chúng tôi quăng câu rất khó khăn vì không có chỗ để lấy đà … Điều duy nhất có nguy cơ xảy ra là cần có thể gãy hoặc đáng tiếc hơn nữa là vỡ nếu gắng quá sức.
May mắn thay những chiếc thuyền không bao giờ rời xa chúng tôi trong các chuyến du câu như thế này đã giải thoát mọi người ra khỏi ngõ cụt. Một cần thủ sẽ dùng thuyền để bơi ra đặt thẻo câu vào điểm hứa hẹn có cá nhất, trong khi người khác sẽ kiểm soát đường ra của dây câu tuôn ra từ máy câu và căng lại đầu đường câu một cách nhanh nhất có thể. Công việc tuy chán ngắt nhưng những kết quả tuyệt vời sau đó làm cho chúng tôi ăng gấp đôi nhiệt tình …
Luôn luôn, sẽ có cá trên đường câu vừa đặt ngay khi thuyền vừa về cập bến. Chẳng cần mô tả cảm giác mệt rã rời của chúng tôi vào tối đó. May thay ở Relais de Lassouts, các món ăn vùng Vayssade đang đợi …
Cũng trong kỳ câu đó, Michael và Tom, hai bạn câu người Anh đã chỉ dẫn thêm cho chúng tôi phương pháp câu bằng thuyền: đưa thuyền trên vùng đã rải một chút mồi bả, thả hai neo dằn ở phía trước và sau thuyền, cần nắm chặt trong tay và bắt đầu cuộc chơi.
Bị cuốn hút bởi khả năng tự chủ của họ, đến phần mình chúng tôi đã thử cả hai cách để không mắc nợ. Thử nghiệm sẽ xác thực hơn, vì trong buổi câu đầu, sau 5 giờ câu với ba cần thủ, chúng tôi đã có 12 lần được cá, dù mỗi người chỉ dùng duy nhất có một cần câu. Lưu ý : nếu thuyền không có bộ đỡ chuyên dùng để thay giàn chân chống nhiều cần thì bạn nên tránh đừng dùng nhiều cần câu cùng một lúc.
Khi đường câu bị đẩy đi
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chì câu lại trôi đi dưới đáy khi dòng nước chảy siết ?
Trong phần lớn trường hợp như vậy, nguyên nhân chủ yếu không phải do trọng lượng chì không đủ mà là dòng nước đã tác động một lực đẩy rất lớn lên đường câu. Thế nhưng tầng nước dưới đáy, lực đẩy của dòng nước sẽ ít mạnh hơn. Vì vậy giải pháp tránh hiện tượng trên hết sức đơn giản: chỉ cần đánh chìm toàn bộ đường câu sao cho dây câu cũng nằm gọn dưới đáy nước.
Để làm được điều đó, bạn cần chuẩn bị một chì câu nặng từ 20 đến 30 gam, một đầu có gắn móc. Quăng câu như bình thường đến điểm câu, rồi nhanh chóng móc chì trực tiếp đường câu, ngay phía sát cần. Sau đó bạn chỉ việc thả cho dây chìm xuống tận đáy, rồi căng lại đoạn dây chùn, và thao tác đã hoàn thành.
Cước câu bị kéo xuống đáy cho đến sát bờ, nơi bạn đang đứng. Và nhờ vào viên chì câu “thần diệu” này, nguyên đường câu sẽ nằm yên toàn bộ dưới đáy nước cho đến tận thẻo câu. Lực đẩy của nước khá yếu ở tầng nước này, vì thế bạn sẽ chắc chắn đường câu không bị trôi lệch ra khỏi vùng bả mồi.
|
Minh hoạ mô tả phương pháp dìm đường câu chìm tận đáy nước, khi chì trôi do nước đẩy ! |
Khi thu hồi đường câu, viên chì phụ thêm nói chung sẽ không gây thêm bất kỳ khó khăn nào. Ngược lại, khi quăng câu, bạn hãy nhớ gỡ viên chì này ra và cài lại sau đó, nếu không nó sẽ bị trượt đến tận sát thẻo câu.
Bình luận
Viết bình luận của bạn